TP Thủ Đức hướng đến mô hình đô thị sáng tạo và bền vững
(PLVN) -Ngày 6/2, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị công bố Đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040, đồng thời xúc tiến mời gọi đầu tư vào TP Thủ Đức.
Hội nghị được tổ chức cũng nhằm chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Thủ Đức lần thứ I nhiệm kỳ 2025-2030 và cụ thể hóa Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế và chính sách thu hút đầu tư vào TP Thủ Đức, một khu vực được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ của vùng Đông Nam Bộ.
![]() |
TP Thủ Đức trở thành trung tâm kinh tế tri thức của TPHCM |
Cụ thể, theo Quyết định số 202/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040 sẽ phát triển thành đô thị sáng tạo, tương tác cao, với mục tiêu trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế TP Hồ Chí Minh và cả vùng đô thị. Đặc biệt, TP Thủ Đức hướng tới việc trở thành trung tâm tài chính của quốc gia, mở rộng ra khu vực quốc tế thông qua các hoạt động kinh tế tri thức.
Quy hoạch chung TP Thủ Đức sẽ có tác động tích cực đến nhiều mặt của thành phố, từ công tác quản lý, điều hành của chính quyền cho đến hoạt động của người dân và doanh nghiệp. Không gian TP Thủ Đức được chia thành 9 phân vùng, tương ứng với 11 trọng điểm phát triển, gắn liền với giá trị văn hóa, lịch sử và tiềm năng riêng biệt của từng khu vực.
![]() |
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi đánh giá quy hoạch được duyệt sẽ mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho TP Thủ Đức |
Hạ tầng giao thông tại TP Thủ Đức cũng được chú trọng phát triển, với kế hoạch xây dựng 9 tuyến đường sắt đô thị và liên vùng, kết nối TP Thủ Đức với phần còn lại của TP Hồ Chí Minh và sân bay quốc tế Long Thành. Các tuyến đường mới sẽ được thiết kế để tối ưu hoá tính kết nối liên vùng, như tuyến đường nối liên cảng Cát Lái – Phú Hữu – nút giao Vành Đai 3 – cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.
Tại hội nghị, TP Thủ Đức đã giới thiệu đến các nhà đầu tư hơn 500 dự án trên địa bàn, với tổng nguồn vốn dự kiến lên tới 800.000 tỷ đồng. Các dự án này bao gồm nhiều loại hình đầu tư khác nhau, từ đấu giá quyền sử dụng đất đến hình thức đối tác công tư (PPP). Dịp này, UBND TP Thủ Đức cũng đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 12 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 33.000 tỷ đồng.
Duy Khương